Thông tin được Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA) đưa ra tại Hội thảo -Triển lãm chuyên ngành về sơn phủ, giấy, cao su và nhựa, tổ chức gần đây.
Theo VPPA, khuyến nghị này được đưa ra dựa trên việc đánh giá năng lực sản xuất bao bì giấy phổ thông ở Việt Nam hiện đã vượt nhu cầu, các doanh nghiệp đang xoay xở tìm thị trường xuất khẩu.
Cụ thể, ước tính từ VPPA cho thấy năng lực sản xuất toàn ngành Giấy lớn lên đến khoảng 8 triệu tấn/năm, tuy nhiên hiện nhiều doanh nghiệp chỉ đang hoạt động khoảng 50% – 60% công suất thiết kế để duy trì sản xuất.
Dự báo năng lực sản xuất ngành Giấy đến năm 2025 có thể tăng thêm khoảng 3 triệu tấn nữa, trong khi đó tình hình dòng vốn rót vào sản xuất giấy bao bì phổ thông đang tiếp tục gia tăng. Các doanh nghiệp nhỏ đang tiếp tục tăng quy mô sản xuất, trong khi doanh nghiệp nước ngoài thuộc lĩnh vực này cũng đang tiếp tục tìm đường đầu tư vào Việt Nam.
Thực tế, từ tháng 9/2022 tới nay, doanh nghiệp ngành Giấy gặp nhiều khó khăn về đầu ra. Lý do được chỉ ra rằng ngành Giấy hiện đang là ngành phụ trợ cho hầu hết các lĩnh vực sản xuất xuất khẩu nên khi các ngành này như giầy dép, dệt may, đồ gỗ,… chịu ảnh hưởng và suy giảm đơn hàng đã kéo theo sự sụt giảm trong tiêu thụ giấy bao bì.
Ông Đặng Văn Sơn – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VPPA cho biết, hiện nay cả nước có khoảng 500 doanh nghiệp hoạt động sản xuất trong ngành Giấy, khoảng 90% sản lượng sản xuất trong nước là các sản phẩm giấy bao bì phổ thông phục vụ cho các ngành sản xuất công nghiệp.
“Việt Nam hiện là đất nước có sản lượng giấy bao bì phổ thông sản xuất nhiều nhất ở khu vực Đông Nam Á”, ông Đặng Văn Sơn cho biết, và thông tin thêm, dự báo năm 2023 này, tình hình hoạt động của doanh nghiệp trong ngành còn khó khăn hơn do các ngành sản xuất của Việt Nam đang suy giảm.
Do đó đại diện VPPA khuyến cáo doanh nghiệp, nhà đầu tư nếu tiếp tục rót vốn nâng công suất thì sẽ rất khó khăn về đầu ra bởi thực tế hiện khoảng 90% sản phẩm giấy bao bì làm ra tiêu thụ ở thị trường nội địa. Do đó, để các nhà máy hoạt động hiệu quả thì cần phải gia tăng tỉ lệ xuất khẩu.
VPPA đồng thời khuyến khích doanh nghiệp tiếp cận thị trường xuất khẩu mới tại các nước như châu Mỹ, Trung Đông… tham gia, giới thiệu kết nối tại các hội chợ triển lãm như chuỗi Triển lãm thương mại quốc tế chuyên ngành…
Bên cạnh đó VPPA cũng khuyến nghị, các doanh nghiệp trong ngành Giấy cần quan tâm phát triển phân khúc bao bì giấy cao cấp vì hiện tại mỗi năm Việt Nam đang chi hàng tỉ USD để nhập khẩu dòng sản phẩm này.
Mặt khác, ngành Giấy hiện đang gặp những khó khăn từ nội tại như: chưa đảm bảo được nguồn nguyên liệu cho phát triển bền vững; chưa có doanh nghiệp sản xuất bột giấy thương phẩm quy mô lớn (đang phải nhập khẩu hơn 500 ngàn tấn bột giấy mỗi năm… cần có giải pháp tháo gỡ trong dài hạn…
Theo đó để đảm bảo nguồn nguyên liệu cho phát triển bền vững, tại sự kiện VPPA kiến nghị Nhà nước cần khuyến khích đầu tư sản xuất bột giấy từ nguyên liệu trong nước với công nghệ hiện đại, bảo vệ môi trường…